Tại sao người béo phì mắc nhiều bệnh hơn người gầy?
Tỷ lệ người béo phì mắc bệnh (hậu di chứng) đang có xu hướng ngày một tăng. Có nhiều nguyên nhân khiến cơ thể của chúng ta “phì ra”. Có thể do yếu tố di truyền, cảm xúc,… đặc biệt là chế độ ăn uống không khoa học. Đồng thời, nội tiết tố trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng xấu theo. Microbiome bị gián đoạn có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Lượng estrogen dư thừa có thể gây ung thư nội mạc tử cung,… Quá nguy hiểm phải không nào?
Vì vậy, ngay lúc này bạn cần phải có một kế hoạch ăn uống khoa học để có thể sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, chắc chắn, đẹp cả bên trong.
Dưới đây là danh sách một số bệnh mà người béo phì có thể mắc phải. Cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân để cải thiện kịp thời tình trạng sức khỏe của mình nhé.
Mục lục
Tăng huyết áp
Tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở người béo phì cao hơn rất nhiều người bình thường. Bởi mô mỡ trong cơ thể người béo phì tăng nhiều khiến lượng tuần hoàn máu tăng tương ứng, làm tăng lực cản ngoại vi của động mạch nhỏ. Lúc này, tim phải làm việc nhiều, tăng nhịp đập của tim để bảo đảm cung cấp máu cho cơ thể. Lâu dần, triệu chứng này sẽ dẫn đến xơ cứng động mạch nhỏ, xảy ra tăng huyết áp. Hơn nữa, lượng natri tích tụ trong cơ thể làm tăng lượng tuần hoàn máu, huyết áp sẽ tăng.
Béo phì ảnh hưởng đến tim
Béo phì liên quan mật thiết đối với bệnh tim. Tỷ lệ người béo phì mắc tăng huyết áp, xơ cứng động mạch đều tăng cao. Do ở người béo phì, mỡ bọc kín tim, khiến tim khó co bóp. Mỡ tích tụ quá nhiều làm tăng dung lượng máu tuần hoàn, làm tăng gánh nặng cho tim. Kèm theo đường huyết và mỡ trong máu tăng cao, làm tăng độ dính của máu, làm giảm khả năng tải oxy của tế bào hồng cầu, cung cấp không đủ oxy cho tế bào tim.
Không ít trường hợp béo phì, sự chuyển hóa mỡ không còn được như thường. Ăn nhiều chất có nhiệt lượng cao dẫn đến mỡ trong máu tăng cao. Từ đó gây ra chứng xơ cứng động mạch, tích tụ mỡ ở tế bào tim, làm dày thành tim.
Người béo phì với cơ thể đồ sộ, nặng nề nên thường lười vận động làm giảm tuần hoàn nhánh động mạch vành, từ đó làm giảm khả năng bù đắp của tim.
Nguy cơ rối loạn lipid máu (mỡ máu cao)
Một trong những rủi ro lớn của tình trạng thừa cân là làm tăng mức độ chất béo trung tính và cholesterol xấu (LDL), giảm cholesterol tốt (HDL) trong cơ thể. Nồng độ của các thành phần mỡ trong máu như cholesterol, triglycerin, tổng lượng mỡ trong huyết tương vượt quá tiêu chuẩn bình thường. Điều này cho thấy việc trao đổi mỡ bị rối loạn. Mức LDL cao và HDL thấp là nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch. Các mạch máu bị thu hẹp, dễ dẫn đến bệnh tim mạch.
Nguy cơ bị tiểu đường cao
Béo phì là một trong những nguyên nhân chính gây ra tiểu đường type 2. Béo phì khiến hormon insulin do tuyến tụy tiết ra hoạt động kém, tế bào không hấp thu đường. Lúc này, tuyến tụy sẽ cố gắng sản sinh nhiều insulin hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, việc sản sinh insulin của tuyến tụy sẽ giảm. Khi đó bệnh nhân dễ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Trong bệnh béo phì, quá trình tích lũy mỡ xảy ra trong một thời gian dài. Từ đó làm giảm khả năng tự chống lại quá trình nhiễm mỡ và triglyceride dần được tích lũy. Người ta thấy ở người béo phì, đái tháo đường thường xuất hiện sau khi 50 – 70% tế bào tiểu đảo bị tổn thương. Trong khi thử nghiệm bằng cách cắt bỏ tụy thì phải trên 90% lượng tế bào tiểu đảo bị cắt bỏ, bệnh đái tháo đường mới xuất hiện.
Đái tháo đường type 2 có rất nhiều yếu tố nguy cơ, một trong số đó là béo phì. Điều tra dịch tễ học quốc gia của Việt Nam cho thấy khi chỉ số BMI là 22,6kg/m3 đã có liên quan chặt chẽ với người mắc bệnh đái tháo đường. Khi mắc bệnh béo phì, sẽ sản sinh ra chất đề kháng insulin.
Insulin là một hormon do các tế bào đảo tụy tiết ra, có vai trò kiểm soát lượng đường máu. Sau khi ăn, một lượng đường khá lớn được hấp thu vào trong máu. Nhờ có insulin đường mới đi vào tế bào, được cơ thể sử dụng và lượng đường này được giữ ở mức an toàn, vừa đủ cho cơ thể sử dụng.
Béo phì liên quan chứng gan nhiễm mỡ
Thừa cân, béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây gan nhiễm mỡ không do rượu. Ước tính, hơn 70% số người béo phì có gan bị nhiễm mỡ. Khi sự vận chuyển chất béo ở gan bị mất cân bằng, chất béo này sẽ tích tụ lại trong tế bào gan và dẫn đến gan bị nhiễm mỡ.
Tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ tăng theo chỉ số khối của cơ thể (BMI). Ở những người không béo phì, tỷ lệ gan bị nhiễm mỡ và viêm gan nhiễm mỡ lần lượt là 15% và 3%. Những người béo phì độ I và độ II (tương ứng BMI từ 30 – 39.9 kg/m2) thì tỷ lệ này tương ứng là 5% và 20%. Đặc biệt với những người có BMI ≥40kg/m2 tỷ lệ gan bị nhiễm mỡ tương ứng là 85% và viêm gan nhiễm mỡ là 40%.
Gan nhiễm mỡ thời kỳ đầu hoặc mức độ nhẹ, vừa, phần lớn có thể thay đổi. Tức là nếu tiến hành giảm cân tích cực, điều chỉnh ăn uống, cân bằng nhu cầu thì có thể cải thiện, thậm chí mất hẳn tình trạng gan nhiễm mỡ. Người bị nặng có thể xảy ra viêm gan dạng nhiễm mỡ, đau bụng khác thường hoặc biến đổi chức năng gan. Gan nhiễm mỡ giai đoạn cuối sẽ dẫn đến xơ gan do mô sợi quá nhiều.
Tăng khả năng đột quỵ
Khả năng dẫn đến đột quỵ ở người béo phì cao hơn nhiều lần người bình thường. Người có BMI lớn hơn 30 dễ bị tử vong do tai biến mạch máu não, xơ vữa động mạch. Những người béo phì mức độ thấp cũng phải cẩn trọng nếu có thêm các yếu tố nguy cơ khác (tiểu đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu) thì nguy cơ đột quỵ vẫn có thể xảy ra.
Việc trao đổi đường, mỡ trong cơ thể người béo phì trở nên khác thường làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu não và bám dính mỡ ở thành mạch máu cộng thêm ảnh hưởng của tăng huyết áp đối với động lực học máu, dẫn đến tỷ lệ bị tắc nghẽn hoặc vỡ mạch máu não (đột quỵ não) ở người béo phì cao hơn người bình thường.
Béo phì làm tiến triển bệnh xương khớp và gout (gút)
Người béo phì có khả năng phát triển bệnh gout cao gấp 4 lần so với người bình thường. Khi bị béo phì, nồng độ axit uric trong máu tăng dẫn đến các khớp bị đau, viêm, đỏ… mức độ bệnh gout càng nặng hơn. Khi giảm cân, nồng độ axit uric trong máu có thể giảm, đồng thời giảm ảnh hưởng đến bệnh gout.
Trọng lượng cơ thể tăng gây sức ép nhiều hơn lên các cơ trên cơ thể. Thừa cân tạo sức ép lên các khớp như khớp gối, cột sống lưng và do đó tăng nguy cơ phát triển viêm xương khớp. Khi khớp sưng viêm hoặc biến dạng, hoạt động giảm, cơ thể nặng thêm thì áp lực đối với khớp càng nặng, bệnh sẽ trở nên xấu. Vì thế người béo phì bị viêm khớp tăng sinh muốn điều trị cần bắt đầu từ việc giảm cân.
Gây suy giảm trí nhớ
Trẻ thừa cân béo phì thường có chỉ số thông minh thấp hơn trẻ có cân nặng bình thường. Người lớn bị béo phì có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn so với người bình thường.
Béo phì dễ mắc bệnh ở đường tiêu hóa
Người béo phì dễ bị bệnh túi mật, có bất thường về gan, suy giảm chức năng gan, ruột nhiễm mỡ, nhu động ruột giảm (gây đầy hơi, táo bón); hệ mạch ở ruột bị cản trở, gây trĩ. Béo phì làm tăng trào ngược vì mỡ bụng sẽ tạo áp lực trên vòng cơ ở phía dưới của thực quản – ống kết nối từ cổ họng xuống dạ dày. Khi xuất hiện các áp lực lên thực quản, axit trong dạ dày chảy ngược trở lại. Tình trạng này dẫn đến chứng ợ nóng.
Bệnh lý đường hô hấp
Hoạt động của cơ hoành, khí phế quản của người béo phì thường hạn chế do mỡ bám nhiều, người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, ngừng thở khi ngủ, béo phì càng nặng rối loạn nhịp thở càng nhiều.
Tăng nguy cơ ung thư
Khi bạn tăng cân quá mức, các cơ chế hoạt động trong cơ thể như hệ hô hấp, tuần hoàn, miễn dịch cũng bị ảnh hưởng theo và giảm hiệu quả hoạt động. Do đó, làm tăng nguy cơ tích tụ các độc tố trong cơ thể và về lâu dài đây cũng là nguyên nhân gây ung thư.
Trên đây là một số bệnh mà người béo phì dễ mắc phải. Nếu chế độ ăn uống không được kiểm soát càng tiềm ẩn nhiều bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, để có một cơ thể khỏe đẹp, bạn cần thay đổi ngay cách sinh hoạt, chế độ ăn. Cùng với đó, bạn cũng nên tập luyện thể thao để đốt cháy lượng mỡ thừa. Kiên trì, chắc chắn một ngày không xa, bạn sẽ có một cơ thể chắc khỏe, thon gọn.
Nguồn: suckhoedoisong.vn