Hiểu đúng về bệnh phụ khoa ở phụ nữ và cách phòng tránh kịp thời

194
Bệnh phụ khoa

Bệnh phụ khoa là vấn đề sức khỏe được nhiều chị em phụ nữ đặc biệt quan tâm. Bởi chúng ảnh hưởng vô cùng lớn đến khả năng sinh sản. Nghiêm trọng hơn là vô sinh, không thể mang thai, và tác động đến một phần tâm lý. Không những vậy, cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày và chuyện “chăn gối” cũng bị suy giảm.

Sức khỏe là vô cùng quý giá với mỗi chúng ta. Vì vậy, các chị em nên duy trì một lối sống lành mạnh, kết hợp với chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. Từ đó, các tác nhân xấu gây bệnh sẽ được đẩy lùi, bạn sẽ có một cơ thể khỏe mạnh và một mái ấm hạnh phúc.

Vậy, bệnh phụ khoa là gì? Chúng có những tác động như thế nào đến sức khỏe của phụ nữ? Có những loại bệnh nào liên quan?

Bệnh phụ khoa là gì?

Bệnh phụ khoa là tất cả các bệnh lý thuộc cơ quan sinh dục của người phụ nữ như:

  • Âm hộ bao gồm môi lớn, môi bé, vùng tiền đình… là những phần có thể quan sát bên ngoài
  • Âm đạo, cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng, hệ thống dây chằng… có thể quan sát và cảm nhận được qua việc thăm khám bằng mỏ vịt, bằng tay và siêu âm

Bệnh phụ khoa ở nữ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn khiến chị em luôn cảm thấy khó chịu ở vùng kín, ngại gần gũi với bạn tình. Không chỉ vậy, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản với các biểu hiện như: viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, ứ dịch vòi trứng, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư tử cung và ung thư buồng trứng…

10 bệnh phụ khoa có thể gây nguy hiểm

Đau bụng kinh

Đau bụng kinh là cơn đau trong kỳ nguyệt khiến bạn không thể thực hiện các sinh hoạt hàng ngày bình thường. Có hai loại đau bụng kinh là đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.

Triệu chứng đau bụng kinh:

Cơn đau bụng kinh nguyên phát thường xuất hiện trong vòng 2 năm sau kỳ kinh đầu tiên. Bạn có thể cảm thấy những cơn co thắt rất đau ở vùng bụng dưới và lan cả qua lưng hay đùi. Cơn đau bụng kinh thứ phát thường âm ỉ và chỉ tập trung vào một khu vực nhất định chứ không lan rộng. Cơn đau này thường bắt đầu 3 – 5 ngày trước kỳ kinh nguyệt và đỡ dần vào ngày đầu tiên kinh nguyệt xuất hiện.

Đau bụng kinh khiến con gái vô cùng khó chịu

Nguyên nhân gây đau bụng kinh:

Đau bụng kinh nguyên phát là cơn đau không liên quan tới các bệnh lý ở vùng chậu. Đau bụng kinh thứ phát không phải do tử cung co bóp mà lại liên quan đến các bệnh vùng chậu. Các bệnh phổ biến có thể kể đến là viêm vùng chậu mãn tính, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung…

Cách điều trị đau bụng kinh:

Đối với cơn đau bụng kinh nguyên phát, bạn có thể khắc phục bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng và nghỉ ngơi nhiều. Khi bị đau đau bụng kinh thứ phát, bạn cần đi khám để xác định và điều trị đúng nguyên nhân gây đau.

Mất kinh

Mất kinh hay còn gọi là vô kinh là tình trạng bạn không có kinh nguyệt do các nguyên nhân sinh lý hoặc bệnh lý.

Triệu chứng mất kinh:

Dấu hiệu chính của chứng mất kinh là không có kinh nguyệt một cách bất thường. Ngoài ra, chứng này còn có thể đi kèm một số triệu chứng khác tùy thuộc vào bệnh lý khiến bạn bị mất kinh.

Nguyên nhân gây mất kinh:

Mất kinh do sinh lý xảy ra khi bạn đang mang thai, đang trong thời kỳ cho con bú và sau khi mãn kinh. Mất kinh bệnh lý là khi bạn đang mắc một số bệnh liên quan khiến chu kỳ kinh nguyệt như:

  • Suy giáp
  • Căng thẳng
  • Tiểu đường
  • Suy dinh dưỡng
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Buồng trứng đa nang
  • Có khối u buồng trứng
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp và tuyến thượng thận

Cách điều trị mất kinh:

Phương pháp điều trị mất kinh sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể của bạn.

Buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) một trong các bệnh phụ khoa đang dần phổ biến do lối sống nhiều căng thẳng và ít vận động ngày nay. Một số vấn đề thường đi kèm với hội chứng buồng trứng đa nang là mất kinh, lông mọc nhiều, béo phì…

Buồng trứng đa nang có nguy hại đến sức khỏe phụ nữ

Triệu chứng buồng trứng đa nang:

Dấu hiệu chứng buồng trứng đa nang khá đa dạng nhưng bạn có thể tham khảo một số dấu hiệu phổ biến như kinh nguyệt bất thường, khó thụ thai, nổi mụn, mọc lông ở những chỗ không hợp lý (mặt, ngực), trầm cảm, tăng cân…

Nguyên nhân gây buồng trứng đa nang:

Bệnh thường do buồng trứng sản xuất quá nhiều testosterone. Buồng trứng của người bệnh to lên và xuất hiện nhiều nang (hơn 12 nang) có đường kính từ 2 – 9 mm.

Cách điều trị buồng trứng đa nang:

Những cách điều trị thường thấy là giảm cân, lập chế độ ăn uống cân bằng, tập yoga… Ngoài ra, bạn có thể cần dùng một số loại thuốc để giảm nhẹ các triệu chứng bệnh.

U xơ tử cung

U xơ tử cung là những khối u lành tính xuất hiện ở tử cung. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh thường cao nhất ở độ tuổi 35 – 45.

Triệu chứng u xơ tử cung:

Các triệu chứng của bệnh bao gồm kinh nguyệt ra nhiều, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, vô sinh, đau khi quan hệ, đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu và bụng to.

Nguyên nhân gây u xơ cổ tử cung:

Hiện vẫn chưa có nguyên nhân rõ ràng gây u xơ tử cung. Tuy nhiên, một số tác nhân có thể gây bệnh là di truyền và thay đổi hormone.

Cách điều trị u xơ tử cung:

Tùy vào tình trạng bệnh và độ tuổi của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để chữa bệnh.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) nằm ở những vị trí bất thường như lớp cơ của tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng…

Lạc nội mạc tử cung có thể gây vô sinh

Triệu chứng bệnh lạc nội mạc tử cung:

Một số triệu chứng có thể kể đến là đau và mệt mỏi trong kỳ kinh nguyệt, đau khi quan hệ, kinh nguyệt ra nhiều, vô sinh, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón…

Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung:

Bệnh lạc nội mạc tử cung có thể do rối loạn hormone, di truyền, kinh nguyệt có vấn đề hoặc hệ miễn dịch không khỏe.

Cách điều trị lạc nội mạc tử cung:

Một số cách điều trị bệnh bao gồm uống thuốc giảm đau hay dùng liệu pháp hormone. Bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ nội mạc tử cung tùy trường hợp.

Bệnh viêm vùng chậu

Đây là chứng nhiễm trùng và viêm các cơ quan đường sinh dục trên như tử cung, ống dẫn trứng… Đây là một trong các bệnh phụ khoa thường dễ lây lan trong kỳ kinh nguyệt.

Triệu chứng viêm vùng chậu:

Các triệu chứng bệnh bao gồm đau bụng dưới và vùng chậu, sốt, lờ đờ, đau đầu, kinh nguyệt không đều và quá nhiều, đau khi quan hệ, dịch âm đạo bất thường.

Nguyên nhân gây viêm vùng chậu:

Bạn sẽ dễ mắc bệnh nếu quan hệ với nhiều người hay quan hệ không an toàn với những ai mắc bệnh lây qua đường tình dục (STDs). Ngoài ra, vi khuẩn gây bệnh cũng có thể xâm nhập khi bạn phá thai, sinh sản, đặt vòng tránh thai…

Cách điều trị viêm vùng chậu:

Bác sĩ cần tìm nguyên nhân gây bệnh để kê thuốc kháng sinh hợp lý cho bạn.

Viêm âm đạo

Viêm âm đạo là tình trạng nhiễm trùng âm đạo dẫn đến tiết dịch, ngứa và viêm.

Triệu chứng viêm âm đạo:

Các loại viêm âm đạo khác nhau cũng có một số triệu chứng khác nhau.

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn:Bạn có thể bị tiết dịch âm đạo màu trắng xám và có mùi khó chịu. Những dấu hiệu này có thể rõ ràng hơn sau khi bạn quan hệ tình dục.
  • Viêm âm đạo do Trichomonas: Chứng này sẽ gây tiết dịch âm đạo đột ngột, kích ứng và ngứa quanh âm đạo, tiểu đau và tăng tần suất đi tiểu. Dịch âm đạo thường lỏng, có màu vàng lục, đôi khi có bọt và mùi khó chịu. 
  • Viêm âm đạo do nấm men:Chứng này do nấm men Candida albicans gây ra. Bạn có thể bị tiết dịch âm đạo, ngứa âm đạo dữ dội và đau khi quan hệ. Dịch âm đạo thường đặc và có màu trắng đục.

Thông tin cần biết về viêm âm đạo

Nguyên nhân viêm âm đạo:

Nguyên nhân phổ biến gây viêm âm đạo là do sự mất cân bằng của vi khuẩn âm đạo hoặc bị nhiễm trùng.

Cách điều trị viêm âm đạo:

Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như nystatin, clotrimazole hoặc miconazole để giúp bạn chữa trị.

Herpes sinh dục

Herpes sinh dục hay mụn rộp sinh dục là một trong các bệnh phụ khoa lây qua đường tình dục. Bệnh do virus Herpes gây ra.

Triệu chứng herpes sinh dục:

Bạn có thể gặp các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ và buồn nôn. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ thấy các vết loét hoặc mụn nước xuất hiện trên hoặc xung quanh cơ quan sinh dục.

Nguyên nhân gây herpes sinh dục:

Bạn có thể bị nhiễm virus gây herpes sinh dục (HSV) nếu quan hệ mà không dùng các biện pháp bảo vệ an toàn bằng đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với người bệnh.

Cách điều trị herpes sinh dục:

Bạn có thể nhờ bác sĩ kê các loại thuốc kháng virus để có thể giảm đau và làm lành các vết thương do mụn rộp gây ra.

Chứng dyspareunia

Chứng dyspareunia là trường hợp bạn thấy đau hoặc gặp khó khăn khi quan hệ.

Nguyên nhân gây chứng dyspareunia:

Các nguyên nhân gây đau khi quan hệ có thể là viêm âm đạo, âm đạo hẹp, viêm vùng chậu, viêm âm hộ hoặc màng trinh dày.

Dấu hiệu chứng dyspareunia:

Các dấu hiệu của chứng dyspareunia có thể là đau khi giao hợp. Cơn đau sẽ kéo dài trong một vài giờ sau khi quan hệ tình dục.

Điều trị chứng đau khi quan hệ:

Cách điều trị chứng dyspareunia tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một trong các bệnh phụ khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mọi lứa tuổi.

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu:

Bạn có thể cảm thấy nóng rát khi tiểu, nước tiểu đục, có mùi hoặc lẫn máu. Nếu nhiễm trùng ảnh hưởng đến thận, bạn có thể bị sốt, ớn lạnh, đau lưng, buồn nôn hoặc nôn.

Nguyên nhân nhiễm trùng đường tiết niệu:

Bệnh này thường do vi khuẩn trong âm đạo hoặc hậu môn di chuyển lên niệu đạo và bàng quang, thậm chí là thận và gây nhiễm trùng.

Cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu:

Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để giúp bạn chữa nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy vào tình trạng bệnh mà liều thuốc và thời gian uống thuốc sẽ khác nhau.

Sức khỏe phụ nữ dễ bị ảnh hưởng bởi các bệnh phụ khoa thường gặp nếu không được điều trị kịp thời. Vì thế, bạn hãy luôn quan sát các triệu chứng bất thường để có thể đi khám càng sớm càng tốt nhé!

Nguồn: hellobacsi.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *