Cụ bà 91 tuổi ở Thanh Hóa nhất quyết không nhận hỗ trợ xây nhà mới

229
Cụ bà 91 tuổi ở Thanh Hóa nhất quyết không nhận hỗ trợ xây nhà mới

Sống trong căn nhà mái cọ, lụp xụp có chỗ dột nát, có dấu hiệu xuống cấp ngay cạnh những ngôi nhà cao tầng, bà Đinh Thị Thước (91 tuổi, ở thôn Yên Thái 1, xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) kiên quyết từ chối nhận hỗ trợ xây nhà mới. Theo đó, đây là nơi cụ đã gắn bó cả cuộc đời. Nhiều lần chính quyền địa phương và người thân gia đình động viên xây nhà mới nhưng cụ Thước không chịu  với một lý do không muốn lãng phí.  Bởi cụ nghĩ người khác cần nhà mới hơn mình.

Chưa hề than vãn về căn nhà lụp xụp

Ghé thăm cụ Thước vào một ngày trung tuần tháng 3. Chúng tôi bắt gặp hình ảnh cụ bà đang lom khom nhặt nhạnh những chiếc lá vừa rụng bên góc vườn.

Khi thấy người lạ đến nhà, cụ Thước liền nói: “Tôi không xây nhà đâu, cô chú có đến nữa thì tôi cũng không xây nhà. Các chú đừng có đến mà thuyết phục nữa. Tôi giờ già rồi sống không bao nhiêu nữa”.

Chưa hề than vãn về căn nhà lụp xụp

Hình ảnh bà Thước hiện ra trước mắt chúng tôi với mái tóc bạc, đôi bàn tay chai sần. Đôi chân trần ngồi lọt thỏm giữa căn nhà xuống cấp. Khiến nhiều người đi cùng thương cảm một cuộc đời vất vả không chồng, không con, sống đơn độc.

Qua sự giới thiệu của bà Bùi Thị Thu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống. Chúng tôi được lắng nghe về hành động đẹp và nhân văn của cụ bà tuổi đã ngoài 90.

Qua trò chuyện, được biết cụ Thước sinh ra và lớn lên trong gia đình có 6 anh chị em. Trước kia, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ mất sớm. Nên cụ vất vả làm ruộng để phụ giúp gia đình nuôi các em khôn lớn.

“Xây nhà mới cho tôi là phí lắm”

Nhớ lại tuổi thanh xuân, cụ kể, ngày còn là một thiếu nữ. Cụ cũng như những thanh niên trai gái trong làng lên đường đi dân công hỏa tuyến tại các chiến trường Tây Bắc. “Tôi đã có thời gian đi dân công hỏa tuyến. Chủ yếu làm quân y và chăm sóc thương binh. Có nhưng lúc đi từ Viêng Chăn (Lào) rồi đưa thương binh về tận Tây Bắc.”  Cụ Thước nhớ về những kỷ niệm nơi chiến trường.

Hòa bình lập lại, cụ trở về địa phương và gắn bó với công việc ruộng đồng. Cũng vì nhiều lý do mà cụ không lập gia đình. Và ở vậy cho đến tận bây giờ. Thời gian thấm thoắt trôi, nữ dân công ngày nào giờ đã ngoài 90 tuổi.

Cách đây ít năm, căn nhà nhỏ của cụ Thước có dấu hiệu xuống cấp. Những ngày mưa, mái cọ lưa thưa dột nước. Để giúp cụ, người thân, hàng xóm cùng chính quyền địa phương mong muốn xây dựng lại căn nhà mới. Cho cụ yên tâm sinh sống. Thế nhưng, tất cả đều nhận câu trả lời từ cụ là “không đồng ý”.

“Xây nhà mới cho tôi là phí lắm”

Về lý do không xây nhà, cụ cho hay: “Tôi bây giờ đã già, tuổi cao. Ở vậy là được rồi. Không phải chê. Không chỉ chính quyền địa phương mà con cháu cũng nhiều lần động viên xây nhưng tôi không đồng ý. Nếu xây dựng nhà mới, ở chẳng được bao lâu nữa rồi lại để không, lãng phí lắm”.

“Ngôi nhà tôi đang sống đã gắn bó cả cuộc đời không nỡ bỏ đi. Hơn nữa có dột, có không được kiên cố nhưng đủ che mưa nắng. Mà tôi cũng chỉ ở vậy thôi. Nên tôi mong muốn chính quyền xây nhà cho những người còn vất vả, khó khăn hơn tôi. Tôi nghĩ vậy nên tôi không đồng ý.” – bà Thước cho biết.

Dù tuổi cao nhưng bà vẫn còn sức kiếm sống nhờ có khoảnh vườn rộng

Mặc dù tuổi cao nhưng cụ Thước vẫn còn khá minh mẫn. Sớm tối, cụ vẫn thường ra vườn nhặt cỏ, hái rau, giữ một phong cách sống đẹp và giản dị.

Khi được hỏi có biết cụ bà Đỗ Thị Mơ, người đã đạp xe lên xã xin thoát nghèo ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Cụ Thước phấn chấn nói: “Đó là bà đạp xe đi bán trứng rồi lên xã xin thoát nghèo đúng không. Tôi xem thời sự từ lâu rồi”.

Dù tuổi cao nhưng bà vẫn còn sức kiếm sống nhờ có khoảnh vườn rộng

Theo bà Bùi Thị Thu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hoàng Giang, cho biết: “Trường hợp của cụ Thước là trường hợp khá đặc biệt. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương và con cháu mong muốn xây nhà cho cụ. Nhưng cụ không nhận. Mỗi năm, chúng tôi đều đến nhà để vận động cụ. Nhưng cụ nhất mực không đồng ý xây nhà mới. Những gói hỗ trợ này lại được nhường cho người khác”.

Được chính quyền địa phương quan tâm

Hành động, tấm lòng của bà Thước khiến nhiều người dân địa phương vừa thương vừa ngưỡng mộ. Trở lại nơi thành phố khi ánh đèn đêm đủ màu đã lấp lánh. Hình ảnh một cụ bà cần mẫn, lom khom sớm tối một mình vẫn ẩn hiện trong tâm trí chúng tôi. Đó là một cụ bà giản dị, mộc mạc, yêu thương người nghèo khó hơn. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả.

Cùng với sự quan tâm của người thân, hiện cụ Thước đang được hưởng chính sách của Nhà nước dành cho người cao tuổi. Ngoài ra, mỗi tháng, Ban Trị sự chùa Vĩnh Thái ở địa phương còn hỗ trợ giúp cụ 10kg gạo.

Nguồn: Dantri.com.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *