Bánh Ngào Nghệ An mang đậm hương vị quê hương

217
Bánh Ngào Nghệ An mang đậm hương vị quê hương

Nghệ An là vùng đất nổi tiếng có những món ăn đặc sản đậm đà hương vị quê hương. Chúng ta có thể đã biết đến tương Nam Đàn, cháo lươn Cửa Lò, mực nháy nướng,… Thì nhất định phải biết đến món bánh Ngào. Món bánh này có tên gọi khác là bánh mật. Có lẽ vì vị bánh này quá ngọt ngào mà được gọi là bánh Ngào.  Trông bề ngoài chiếc bánh trông có vẻ giống bánh trôi. Nhưng điều làm nó đặc biệt là phần mật kết hợp với gừng. Khi ăn nó mang lại cảm giác ấm áp cho thực khách. Làm cho đọng lại hương vị đậm đà không thể quên trong mỗi người. Hãy cùng nhau khám phá những điều thú vị về món bánh này nhé!

Mùi vị ngọt ngào của bánh Ngào Nghệ An

Mùi vị ngọt ngào của bánh Ngào Nghệ An

Từng chiếc bánh tròn nhỏ hòa quyện với nước mật sóng sánh thơm hương gừng tạo nên món bánh ngào thơm ngon đặc trưng xứ Nghệ. Món ăn đơn giản là chiếc bánh được phủ nhiều mật lại có mùi thơm của nước gừng, nên có tên gọi là “bánh ngào”. Bánh ngào thường được thưởng thức vào lúc trời se lạnh, hay có chút mưa phùn vì khi ăn nóng sẽ càng ngon hơn bởi sự nồng ấm, “ngào ngạt” và thơm lừng mùi gừng.

Phần mật làm nên sự khác biệt

Làm bánh khá đơn giản, nguyên liệu cũng không đắt, không khó tìm. Thông thường người ta chọn bột nếp để làm bánh ngào, ngoài ra còn có mật mía, gừng. Cách làm bánh ngào tương tự bánh trôi tàu, bánh chay ở miền Bắc. Bánh trôi tàu, bánh chay ăn có vị ngọt thanh đạm của đường. Còn bánh ngào lại có vị ngọt đậm đà của mật mía.

Phải chọn loại mật có màu vàng đỏ, đậm đà, sánh nhuyễn. Nếp làm bánh chọn loại nếp ngon xay nhỏ rồi lọc qua túi vải để lấy được phần bột tinh. Sau đó đem nhồi thật kỹ cho nhuyễn, càng nhuyễn bánh ăn càng dẻo và ngon.

Nhân bánh được chế biến khéo léo

Nhân bánh được chế biến khéo léo

Món bánh ngào có thể có nhân hoặc không có nhân, thông thường ngày xưa các cụ thường làm nhân bánh từ đỗ xanh tróc vỏ rồi ninh lửa nhỏ cho chín, giã nhỏ, cho ít đường trộn đều rồi viên lại thành nhân bánh. Ngày nay, cho rằng bánh đã có mật ngọt đậm đà nên ít người làm nhân bánh để tránh ngọt trong, ngọt ngoài gây mau ngấy. Những người làm bánh để bán họ thường không cho nhân vì đỡ được một phần kinh phí, nhiều hộ gia đình các mẹ, các chị vẫn làm nhân để bánh được hoàn hảo, hòa hợp nhân trong, mật ngoài.

Quy trình chế biến cơ bản của bánh Ngào

Bột sau khi được nhồi nhuyễn sẽ đem nặn thành từng viên nhỏ vừa ăn, nhân bánh được cho vào giữa. Sau khi làm xong, cho bánh vào nồi bắc lên bếp luộc vừa chín đến, vớt bánh ra nhúng qua nước sôi để bánh không dính vào nhau khi nguội. Bánh ngào ngon hay không do nước mật đi kèm, phải chọn loại mật có màu vàng đỏ, sóng sánh rất đẹp mắt. Cho mật vào nồi đun sôi trên bếp, gừng tươi giã nhỏ cho trước một ít vào vừa tạo mùi thơm vừa cho mật đỡ ngán, sau đó cho bánh vào, khi mật ngấm dần lấy đũa khuấy nhẹ cho mật ngấm đều bánh thì tắt bếp, cho phần gừng còn lại vào để làm cho mùi vị thanh và không gây ngán.

Cách thưởng thức bánh sao cho được trọn vị

Cách thưởng thức bánh sao cho được trọn vị

Bánh ngào ngon nhất khi ăn nóng, múc ra từng bát nhỏ. Vừa ăn vừa thổi mới cảm nhận được hết hương vị. Vị bùi của nhân, thơm dẻo của nếp quyện với vị ngọt vừa đậm vừa thanh. Mà lại thơm nồng của gừng, của mật đem đến cho người ăn vị ngọt thơm rất ngon miệng. Ăn vào bạn sẽ cảm nhận được sự ngọt ngào của từng miếng bánh. Nó cũng giống như tấm lòng hiếu khách của người dân xứ Nghệ.

Nguồn: vnexpress.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *